Tầm quan trọng của tiếng Anh trong doanh nghiệp

5 - 1 đánh giá

Vì sao tiếng Anh trong doanh nghiệp lại quan trọng? Quá trình triển khai quyết định sử dụng tiếng Anh trong doanh nghiệp như một ngôn ngữ chung đã được triển khai như thế nào?

Tầm quan trọng của tiếng Anh trong doanh nghiệp

Dù bạn có sẵn sàng hay không thì hiện nay tiếng Anh đã là một ngôn ngữ dành cho giới kinh doanh toàn cầu. Ngày càng có nhiều tập đoàn lớn trên thế giới bắt buộc nhân viên sử dụng tiếng Anh, xem Anh ngữ là một ngôn ngữ chung của công ty. Không kể các tập đoàn có trụ sở tại những quốc gia của người bản địa (Anh, Mỹ), tại châu Á, các doanh nghiệp như Samsung, Rakuten… xu hướng sử dụng tiếng Anh trong doanh nghiệp đã trở nên phổ biến hơn.

Nhưng quá trình từ xây dựng nền tảng Anh ngữ cho nhân viên, lãnh đạo chủ chốt, cũng như sự thay đổi cách vận hành doanh nghiệp để chính sách sử dụng tiếng Anh được vào guồng là một việc hoàn toàn không hề đơn giản, nhất là với các doanh nghiệp châu Á và Đông Nam Á.

Với mục tiêu trở thành một doanh nghiệp thương mại điện tử tầm cỡ thế giới như Amazon, eBay… Vào tháng 3 năm 2010, giám đốc điều hành của Rakuten, một công ty thương mại điện tử Nhật Bản. Ông Hiroshi Mikitani đã ra quyết định gây sốc khi tuyên bố công ty Rakuten sẽ sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính thức trong nội bộ doanh nghiệp.

Và chỉ một đêm sau lời tuyên bố, tất cả các menu trong căn-tin, các bản hướng dẫn trong tòa nhà đều được thay đổi từ tiếng Nhật sang tiếng Anh. Thêm nữa, toàn thể tập đoàn Rakuten nhận được một mệnh lệnh thậm chí còn gây “choáng váng” hơn, sau 2 năm nữa, một là nhân viên phải chứng minh được năng lực tiếng Anh hoặc là phải “vác cuốc về vườn”.

Sự thay đổi của Rakuten đã gây ra nhiều tranh cãi khi làm ảnh hưởng và xáo trộn tới hơn 7 ngàn nhân viên đang làm việc trong doanh nghiệp. Ngay lập tức, câu chuyện “tiếng Anh trong doanh nghiệp” của tập đoàn Rakuten trở thành đề tài dè bĩu của giới truyền thông Nhật. Người ta nói rằng thật ngu ngốc khi một doanh nghiệp Nhật Bản sử dụng hầu hết lao động Nhật nhưng lại muốn lấy Anh ngữ làm ngôn ngữ chính thống.

Thế nhưng, chỉ sau hơn 2 năm thực hiện chính sách đổi mới, tập đoàn Rakuten đã trở thành một tổ chức vô cùng mạnh mẽ, 3 trong số 6 giám đốc điều hành của Rakuten là người Nhật nhưng họ lại không nói tiếng Nhật. Một nửa số nhân viên người Nhật Bản của Rakuten có thể giao tiếp bằng tiếng Anh trong nội bộ công ty, 25% trong số họ có thể đàm phán trực tiếp với các đối tác nước ngoài bằng Anh ngữ.

Qua câu chuyện của Rakuten có thể thấy rằng việc vận hành một chính sánh không tiếng mẹ đẻ trong các doanh nghiệp châu Á là một việc cực kỳ khó khăn. Nhiều nhân viên sẽ cho rằng quyết định đấy là cực đoan và phản kháng vì không có lợi cho họ. Đa số sẽ cảm thấy tiếng Anh của mình không tốt bằng người khác, sự tự tin và năng động bị mất đi, dẫn tới hiệu suất làm việc sẽ bị chiết giảm. Nhưng để tồn tại và phát triển trong một nền kinh tế toàn cầu thì các doanh nghiệp phải thích ứng và vượt qua các rào cản ngôn ngữ.

Nhìn vào các chỉ số thống kê có thể thấy rằng tiếng Anh là ngôn ngữ có tốc độ lan truyền nhanh nhất trong lịch sử loài người, tính đến thời điểm hiện tại đã có hơn 1,75 tỷ người nói tiếng Anh trên thế giới, tức là cứ 4 người thì có 1 người biết sử dụng tiếng Anh. Những người nhìn thấy lợi ích của Anh ngữ trong doanh nghiệp như Mikitani là rất nhiều nhưng để quyết tâm thực hiện và chuyển đổi như cách tập đoàn Rakuten đã làm thì vẫn còn hiếm hoi lắm.

Vì sao sử dụng tiếng Anh trong doanh nghiệp lại quan trọng?

Có nhiều nguyên nhân chính để thúc đẩy một doanh nghiệp sử dụng tiếng Anh trong doanh nghiệp nhưng dưới đây là 3 lý do chính để một doanh nghiệp thay đổi.

1. Áp lực cạnh tranh

Nếu muốn mở rộng cơ hội giao thương ra thế giới, doanh nghiệp cần phải giao tiếp với càng nhiều đối tác và khách hàng ngoại quốc càng tốt. Nếu may mắn, bạn sẽ tìm kiếm được một đối tác (hoặc khách hàng) bên ngoài lãnh thổ biết nói tiếng Việt, nhưng, nó chẳng khác nào việc mò kim đáy biển. Về cơ bản, một doanh nghiệp có chí hướng toàn cầu nhưng không có một chính sách về ngoại ngữ chính là hành động tự hạn chế khả năng phát triển của mình. Họ sẽ rơi vào thế bất lợi khi có sự cạnh tranh trực tiếp từ đối thủ khác, nơi có chính sách ngoại ngữ tốt hơn.

2. Tối ưu hóa hiệu suất làm việc của nhân viên

Một doanh nghiệp toàn cầu có nhiều địa điểm làm việc phân tán trên nhiều quốc gia khác nhau chắc chắn sẽ gặp hiện tượng “nghẽn cổ chai”, các nhân viên không hiểu ý nhau khi làm việc cùng một mục tiêu chung cho doanh nghiệp. Một nhân viên tại Bỉ có thể cần thông tin từ một động nghiệp ở Mexico hoặc Trung Quốc, nếu không sử dụng chung một ngôn ngữ thì việc giao tiếp chắn chắn sẽ bị ảnh hưởng.

Ví dụ như Nestlé, người khổng lồ trong ngành thực phẩm Thụy Sĩ, sau khi quyết định thực thi chính sách sử dụng tiếng Anh trong doanh nghiệp, hiệu quả công việc của họ đã cải thiện và gia tăng hơn trước.

Một ví dụ khác cũng cho thấy hiệu ứng tương tự. Chỉ mấy năm trước, GlobalTech – một công ty có trụ sở tại Đức – với hàng chục công ty con trên toàn thế giới đã gặp một sự cố liên quan đến ngoại ngữ. Trong một ngày u ám, một khách hàng quan trọng của doanh nghiệp liên tục gọi điện cho ông chủ của GlobalTech, thông báo và yêu cầu khắc phục một sự cố phần mềm đang làm đình trệ các cuộc giao dịch tài chính trị giá hàng triệu USD. Sau khi nhận tin, ông chủ gào thét với Giám đốc kỹ thuật Hans trong điện thoại. Hans thì “chạy vắt giò lên cổ” liên hệ với nhóm kỹ thuật bên Ấn Độ nhưng các kỹ sư tại Châu Á không giúp ích được gì vì toàn bộ thông tin đều là tiếng Đức. Trong thời gian Hans chờ đợi các tài liệu được dịch từ tiếng Đức sang tiếng Anh thì cuộc khủng hoảng ngày càng tồi tệ thêm.

Và 2 năm sau thời gian xảy ra sự cố, toàn bộ hệ thống của GlobalTech đều đã sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính thức.

3. Ý thức xây dựng một thương hiệu toàn cầu

Các cuộc mua bán xác nhập doanh nghiệp đã và đang diễn ra khắp nơi trên thế giới, và để duy trì và xây dựng một thương hiệu toàn cầu, các doanh nghiệp luôn chọn tiếng Anh là một ngôn ngữ chính thức.

Chẳng hạn như việc tập đoàn Hoechst của Đức và tập đoàn Rhône-Poulenc của Pháp sát nhập để thành lập công ty Dược phẩm Aventis. Vì sao sau khi hợp nhất, Aventis không sử dụng tiếng Pháp hay tiếng Đức để làm ngôn ngữ chính thống mà lại dùng tiếng Anh? Câu hỏi này xin dành cho bạn đọc trả lời vậy.

Những vấn đề sau khi chính sách tiếng Anh trong doanh nghiệp được thực thi

Qua những cuộc thăm dò tại các công ty đang thực thi chính sách sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính thức, nhiều nhân viên cho rằng giá trị lao động của họ với doanh nghiệp bị giảm đi, bất kể khả năng lưu loát Anh ngữ của họ. Một số khác thì sợ hãi cho rằng các vị trí tốt sẽ được dành cho những người giỏi tiếng Anh mà bất kể khả năng chuyên môn.

Chẳng hạn như tại FrenchCo, sau khi áp dụng chính sách, một số nhân viên đã nói rằng: “Hơn 30 năm qua doanh nghiệp không yêu cầu chúng tôi cải thiện khả năng ngoại ngữ, nhưng hiện tại thật khó chấp nhận một sự thật là chúng tôi bị sa thải vì không đủ kỹ năng ngoại ngữ”. Một số nhân viên kém thành thạo ngoại ngữ khác thì trốn tránh các cuộc họp nội bộ có phát biểu bằng tiếng Anh, họ sợ gây ra các hậu quả nghề nghiệp. Thay vì nhiều mà nói sai, họ chọn giải pháp im lặng.

Giống như điển hình của FrenchCo hoặc Rakuten, việc thực thi chính sách chuyển đổi ngôn ngữ chính là một nhiệm vụ không nhỏ. Sự thành bại của chính sách phụ thuộc vào 2 yếu tố chính: (1) nhân viên tin rằng việc sử dụng tiếng Anh trong doanh nghiệp là có lợi cho họ và doanh nghiệp; (2) nhân viên niềm tin vào năng lực bản thân, họ hiểu rằng mình đủ khả năng cải thiện ngoại ngữ, đủ sức rèn luyện và sử dụng tiếng Anh lưu loát.

Kinh nghiệm của Rakuten trong quá trình thực hiện chính sách ngoại ngữ chính là việc luân chuyển nhân viên, người có trình độ ngoại ngữ tốt sẽ thay thế vị trí những người lãnh đạo không giỏi tiếng Anh. Và sự thay đổi này sẽ tiếp thêm động lực để những người chưa giỏi ngoại ngữ buộc lòng phải phấn đấu học hành.

Bên cạnh đó, các nhà quản lý có thể sử dụng các chính sách giúp nhân viên tin vào năng lực phát triển trình độ tiếng Anh của họ, cung cấp cơ hội để họ cải thiện kỹ năng ngoại ngữ. Ví dụ như Rakuten đã yêu cầu các giám đốc điều hành cấp cao sang các quốc gia người bản xứ như Vương quốc Anh và Hoa Kỳ để học lại ngoại ngữ. Các nhân viên thì được gửi sang Philippines dự các khóa học ngoại ngữ kéo dài vài tuần.

Mặc dù không dễ dàng mở rộng chương trình cải thiện ngoại ngữ cho tất cả hơn 7 ngàn nhân viên đang làm việc tại Nhật Bản, nhưng quyết định gây “choáng” của Rakuten đã đem tới những thay đổi đáng kinh ngạc chỉ trong vòng 2 năm kể từ khi chính sách tiếng Anh trong doanh nghiệp được thực thi.

 

scrolltop